Thời tiết thay đổi: Gia tăng bệnh nhân đột quỵ


Không chỉ người già, người có bệnh huyết áp, tim mạch mà cả người trẻ, thanh niên cũng phải nhập viện vì đột quỵ do thời tiết thay đổi từ nắng nóng sang mát mẻ.

Chủ yếu do chảy máu não

Anh Lê Hồng P., 50 tuổi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh dù đã được bác sĩ tận tình cứu chữa hai hôm nay, song vẫn hôn mê sâu, phải thở máy, khả năng sống rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thủy, vợ anh cho biết, anh rất khỏe mạnh, đi lái xe về nghỉ một chút rồi dậy tắm thì thấy đau đầu dữ dội, người choáng, gia đình đưa đến bệnh viện huyện tiêm hồi sức lúc 5h45 chiều, đến 8h thì được về, đến 10h đêm anh bị đau đầu nhiều hơn, nôn, mắt trợn… gia đình đưa tới bệnh viện tỉnh cấp cứu được 3 ngày thì chuyển ra Viện 103. BSCKI Nguyễn Văn Tuấn cho biết, bệnh nhân bị chảy máu não do vỡ phình động mạch não khi thay đổi thời tiết (huyết áp ổn định 130/70 mmHg). Do điều trị muộn lên chảy máu não tái phát và rất nguy kịch.

Phòng cấp cứu khoa đột quỵ BV 103 đông kín bệnh nhân

Giường bên cạnh là bà Trần Thị T, 59 tuổi, Thanh Xuân Hà Nội cũng bị chảy máu tiểu não bán cầu dẫn tới hôn mê sâu, suy hô hấp… Tương tự, anh Nguyễn Văn V., 37 tuổi, Hà Đông, Hà Nội người khỏe mạnh, huyết áp 140/70 mmHg, tiền sử không có vấn đề về bệnh tật, tự dưng bị đau đầu, ý thức lơ mơ, nôn, liệt nửa người trái… Do gia đình đưa vào viện sớm nên sau 2 ngày anh đã ổn định.

BSCKI Nguyễn Văn Tuấn, Khoa đột quỵ cho biết, mấy ngày hôm nay thời tiết thay đổi từ nắng nóng sang mát và se lạnh khiến số bệnh nhân nhập viện tăng đột biến. Bình thường, mỗi ngày khoa tiếp nhận 3– 4 bệnh nhân nhập viện, song 3– 4 ngày nay do thời tiết thay đổi, ngày nào khoa cũng nhận 7–8 bệnh nhân, thậm chí 10 bệnh nhân nhập viện điều trị, khiến không ít bệnh nhân phải nằm ghép. Điều đáng quan tâm là không chỉ có bệnh nhân cao tuổi, người có nguy cơ cao như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp mà nhiều bệnh nhân trẻ, không có bệnh mạn tính cũng nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch.

Bác sỹ Tuấn cho biết, các bệnh nhân đột quỵ nhập viện đợt này, rất ít bệnh nhân nhồi máu do cơn tăng huyết áp, vữa xơ động mạch não và mảng vữa xơ bị nứt, gây xuất hiện cục máu đông, gây tắc động mạch não... mà chủ yếu là do chảy máu não.

Đây là bệnh rất nguy hiểm, tiềm tàng thường gặp ở người 50 – 60 tuổi, thậm chí ở đối tượng trẻ nhỏ. Bệnh chủ yếu do dị dạng mạch máu não. Dị dạng này có từ lâu, tiến triển một cách âm thầm mà con người không biết. Các mạch máu đã dị dạng, mỗi ngày một giãn ra, yếu đi. Có một cơ hội nào đó (do áp lực công việc nhiều, uống rượu bia, hút thuốc lá, hít hêroin…) làm ảnh hưởng đến sự co thắt mạch máu, cộng thêm nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh đột ngột làm mạch máu co thắt nhiều, dẫn đến bị vỡ, gây xuất huyết não. Nguyên nhân của tình trạng này là do cuộc sống có nhiều thay đổi, người ta sử dụng quá nhiều bia, rượu, thuốc lá, thức ăn chứa nhiều dầu, mỡ...

Bên cạnh đó lối sống, làm việc căng thẳng, nghỉ ngơi không hợp lý, stress... cũng là nguyên nhân gây bệnh. Điều nguy hiểm là bệnh khởi phát với rất ít dấu hiệu cảnh báo nhưng lại gây chết người nếu không được xử lý thật nhanh.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân P.

Dễ tử vong và tàn phế nếu không cấp cứu kịp

Các chuyên gia cho biết, đây là một trong 3 bệnh gây tử vong hàng đầu (tim mạch, ung thư, tai biến mạch máu não). Bệnh có thể gây tử vong ngay giờ đầu, ngày đầu, hay tuần đầu. Việc điều trị tốn kém mà hiệu quả không cao vì thường để lại di chứng nặng nề như tàn phế, yếu liệt, khiếm khuyết một chức năng nào đó trong cơ thể, không thể sinh hoạt một cách bình thường, sống đời sống thực vật. Nghiên cứu cho thấy, 60 – 70% bệnh nhân sau tai biến sống phải có sự trợ giúp một phần hay hoàn toàn của người khác, không những thiệt thòi đối với bản thân và còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đa phần người dân khi thấy bệnh nhân bị đột quỵ lại tưởng do trúng gió, bị cảm… nên nên thường đánh gió cho uống uống nước chanh, nước gừng đường… Điều này rất nguy hiểm, tuyệt đối không được làm vì nước uống vào sẽ gây sặc đường thở, làm suy hô hấp cấp hoặc tăng huyết áp sẽ nguy hiểm hơn.

BS Nguyễn Văn Tuấn cho biết, thời tiết thay đổi đột ngột dễ làm biến động huyết áp, nhịp tim, thay đổi thành mạch, gây rối loạn huyết động. Đột quỵ có thể là một biến chứng từ các rối loạn trên, trong đó 75% là do tăng huyết áp nhưng cũng có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, tình trạng tai biến mạch máu não rất dễ xảy ra nếu người bệnh có sẵn bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc rối loạn chuyển hóa lipid (tăng mỡ máu). Bệnh chủ yếu gặp ở người già, nhưng người trẻ cũng có thể mắc.

Để phòng tránh, những người bị bệnh huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... cần theo dõi thời tiết và kiểm soát huyết áp chặt chẽ khi thời tiết thay đổi. Nếu thấy người nôn nao khó chịu cần phải nghỉ ngơi, tránh sự gắng sức, giữ ấm cơ thể theo sự thay đổi của thời tiết. Trường hợp thấy các biểu hiện đột ngột như yếu nửa người; nói ngọng hoặc không nói được; tê bì hoặc liệt nửa mặt, nửa người; nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa, có lúc thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê... thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời hiệu quả.

Chẳng hạn, nếu đột quỵ do nhồi máu não có thể dùng thuốc tiêu huyết khối giúp tái tạo sự lưu thông trong vòng 3 giờ đầu. Trường hợp chảy máu sẽ điều trị để ổn định huyết động tránh phù não, chảy máu tái phát như trường hợp của anh P. Khi di chuyển, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang 1 bên, tránh sặc vào đường hô hấp, nới bớt quần áo cho thoáng.

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.