Đề phòng đột tử!

Đột tử - cái chết đột ngột - phần lớn nguyên nhân là do bệnh lý tim mạch, còn do não chiếm ít hơn. Nam giới chiếm 2/3 số trường hợp, số đông là ngoài tuổi 40, tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị đột tử khi còn ở tuổi khá trẻ.

Đột tử và nguyên nhân

Mới đây (hôm 16/9), cái chết đột ngột của anh Nguyễn Th. (là phóng viên của Đài tiếng nói Việt Nam, thường trú tại phía Nam) ở tuổi còn khá trẻ (30 tuổi), khiến cánh phóng viên ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì trước đó anh không có biểu hiện gì của bệnh lý tim mạch cả, anh cũng không béo phì, không rượu chè, thuốc lá. Đêm ấy, sau khi làm xong chương trình, anh nghỉ lại tại cơ quan, đến sáng mọi người phát hiện anh đã chết. Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy anh Th. bị nhồi máu cơ tim, mỡ bọc quanh tim!

Theo PGS - tiến sĩ Võ Thành Nhân - Chủ tịch Phân hội Tim mạch can thiệp (TP.HCM), phụ trách khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy: "Trước đây người ta quan niệm cái chết đột ngột xảy ra do bệnh tim mạch là trong vòng 24 giờ đồng hồ, nhưng hiện nay, gọi là cái chết đột ngột khi xảy ra trong vòng 1 giờ. Có nhiều nguyên nhân ở bệnh lý tim mạch gây nên đột tử, nhưng nguyên nhân do bệnh mạch vành là nhiều nhất (chiếm khoảng 2/3 số trường hợp). Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: cơ tim bị phì đại, giãn nở (bệnh lý di truyền); viêm cơ tim (xảy ra ở người trẻ, thường không có triệu chứng); do vỡ phình động mạch chủ (do xơ vữa động mạch, hay do chấn thương); dị dạng động mạch vành (do bẩm sinh); suy tim; hội chứng Brugada. Những người đã có tiền sử bị nhồi máu cơ tim, hay suy tim thì dễ bị đột tử hơn người chưa bị".

Hãy đề phòng!

Cơ hội để chữa trị đột tử là gần như không có, vì người bệnh chết rất nhanh. Cái chính là cần phải lưu ý, phòng ngừa đột tử, cần để ý đến những triệu chứng bệnh mạch vành, mà đi kiểm tra, khám chữa bệnh kịp thời. Theo PGS - Tiến sĩ Võ Thành Nhân, bệnh lý mạch vành có thể biểu hiện lâm sàng ở những dạng như sau: chỉ có biểu hiện trên điện tâm đồ và các xét nghiệm, chứ rất ít triệu chứng; đau ngực, có thể là cơn đau thắt ngực cố định, người bệnh biết trước đặc điểm đau ngực, thời gian đau thường dưới 15 phút, thường đau ở giữa ngực, sau xương ức, có cảm giác như bóp nghẹt. Đau thường lan ra cánh tay trái, lan đến cổ, dưới hàm, xảy ra khi người bệnh gắng sức (như làm việc nặng, đi cầu thang), khi ngưng gắng sức, đau sẽ hết, bệnh nhân có thể chịu đựng được.

Cũng có thể là cơn đau thắt ngực không ổn định, tính chất cơn đau thường thay đổi, xảy ra nặng hơn, tần suất xuất hiện dày hơn, cường độ đau nặng hơn, thời gian đau kéo dài trên 15 phút. Trường hợp này người bệnh cần phải vào bệnh viện ngay; biểu hiện lâm sàng nữa có thể là nhồi máu cơ tim, triệu chứng cũng giống như trường hợp cơn đau thắt ngực không ổn định, nhưng thời gian đau thường kéo dài trên 30 phút; biểu hiện tiếp nữa là bệnh nhân suy tim do bệnh mạch vành...

Cơ chế sau cùng ở bệnh lý mạch vành dẫn đến đột tử là do loạn nhịp. Theo bác sĩ Phạm Hữu Vân: "Cũng có những trường hợp loạn nhịp không nguy hiểm, có thể chữa trị, nhưng cũng có trường hợp loạn nhịp có thể dẫn đến đột tử bất cứ lúc nào. Để khống chế cơn loạn nhịp, cứu người bệnh thoát khỏi tình huống đột tử, hiện nay y học có phương pháp cấy máy phá rung tim vào trong cơ thể bệnh nhân. Sau khi "thoát" được đột tử, bác sĩ sẽ điều trị bệnh nền gây nên loạn nhịp".

Để kiểm tra bệnh lý mạch vành, theo các bác sĩ, có thể làm từng bước. Nếu điện tâm đồ gắng sức có nghi ngờ, thì tiếp tục làm siêu âm tim gắng sức. Nếu siêu âm tim gắng sức bình thường, thì có thể không làm tiếp nữa, nhưng nếu nghi ngờ nên kiểm tra tiếp. Những người bị đau ngực nhưng không biết đau do nguyên nhân gì, thì nên đi khám, kiểm tra tim mạch. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể cho làm các cận lâm sàng để kiểm tra bệnh. Phát hiện, xử lý sớm bệnh mạch vành, để tránh biến chứng nhồi máu cơ tim đưa đến đột tử.

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.