Căn bệnh gây chết người hàng đầu thế giới



Bệnh tim mạch do hẹp động mạch đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp đầu danh sách các bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất toàn cầu. Mới đây, WHO tiếp tục đưa ra dự báo năm 2030 căn bệnh này vẫn đứng đầu danh sách, với tỷ lệ tử vong tăng từ 12,2% lên 14,2%. Một con số thật sự đáng lo ngại!

Tim có nhiệm vụ co bóp để cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho mọi tế bào trong cơ thể. Bản thân tim cũng cần nguồn máu nuôi dưỡng từ hệ thống mạch máu, gọi là hệ mạch vành. Nếu động mạch vành bị hẹp hoặc tắc, cơ tim không được cung cấp đủ máu, tim có thể bị tổn thương, không co bóp hiệu quả, làm cơ thể cũng không khoẻ mạnh.

Nhận diện “sát thủ”

Bệnh mạch vành xảy ra do lớp nội mạc mạch vành bị tổn thương, thường do những mảng xơ vữa (tình trạng xơ vữa động mạch), gây hẹp lòng mạch máu này. Càng ngày, mảng xơ vữa hình thành nhiều hơn, làm hẹp càng nhiều, khiến cơ tim không nhận đủ máu nuôi dưỡng (tình trạng thiếu máu cơ tim) gây ra triệu chứng đau thắt ngực, khó thở… Nếu một hoặc nhiều nhánh mạch vành hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn (do mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, loét hoặc do hình thành cục máu đông) sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, có thể đưa tới choáng tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, tử vong…

Bệnh mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại các nước phát triển, đây là một trong những bệnh thường gặp nhất. Việt Nam chưa có thống kê nhưng số bệnh nhân mắc bệnh mạch vành ngày càng nhiều, lứa tuổi cũng trẻ hơn. Các nước châu Á một khi phát triển như các nước phương Tây cũng có tần suất bệnh gia tăng, như Singapore hiện có tần suất bệnh mạch vành không kém các nước phương Tây.

Cảnh giác triệu chứng đau ngực

Bệnh mạch vành thường gặp ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm (trước 55 tuổi), người hút thuốc lá, người mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá mỡ, tiểu đường. Béo phì, ít hoạt động thể lực và stress cũng đóng vai trò quan trọng trong sự tiến triển của xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.

Triệu chứng thường gặp nhất trong bệnh mạch vành là đau thắt ngực. Người bệnh cảm thấy tim bị đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở, thường xảy ra khi gắng sức, xúc động, tức giận… Đau lan ra hàm, vai, tay và có thể kèm theo nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn, yếu, mệt, chóng mặt… Đau thắt ngực tăng lên về tần số hoặc xảy ra cả khi nghỉ ngơi được gọi là “không ổn định”. Đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ cao đưa đến nhồi máu cơ tim (nhồi máu cơ tim cũng gây đau thắt ngực nhưng nặng nề và kéo dài hơn, thường trên 15 phút; người bệnh thấy đau dữ dội đến mức không chịu nổi và có cảm giác sợ hãi, hoảng loạn).

Mọi người, nhất là những người có yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh cần hết sức cảnh giác với triệu chứng đau ngực. Nếu cảm thấy đau ngực và có một trong các tình huống sau thì có khả năng bị nhồi máu cơ tim, cần đến bệnh viện ngay: đau ngực có tính chất tương tự đau thắt ngực, cảm giác đau dữ dội, liên tục (kéo dài trên 15 phút), đau như bóp nghẹt tim, đè ép ngực; cảm giác đau ngực khác lạ, chưa từng xảy ra hoặc đau tăng lên nhiều so với các lần đau ngực trước đây; người trên 40 tuổi và có một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành; trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ (dưới 55 tuổi)… Để chẩn đoán và đánh giá bệnh, bác sĩ cần dựa vào bệnh sử, làm các xét nghiệm như đo điện tâm đồ, siêu âm tim, điện tâm đồ và siêu âm tim gắng sức, chụp động mạch vành… Trong đó, chụp động mạch vành là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh mạch vành. Tuỳ trường hợp, bác sĩ sẽ chọn lựa, phối hợp các phương pháp điều trị như: điều chỉnh lối sống, dùng thuốc, can thiệp động mạch vành qua da (nong bằng bóng, đặt giá đỡ), phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Để mạch vành được thông suốt

Dù có hay không mắc bệnh mạch vành, đã điều trị hay chưa thì việc áp dụng lối sống phù hợp sẽ giúp phòng ngừa và làm chậm diễn tiến bệnh.

Dù có hay không mắc bệnh mạch vành, đã điều trị hay chưa thì việc áp dụng lối sống phù hợp sẽ giúp phòng ngừa và làm chậm diễn tiến bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần: tuyệt đối không hút thuốc lá; theo dõi huyết áp, kiểm soát huyết áp nếu bị tăng; trường hợp mắc bệnh tiểu đường thì cần điều trị và kiểm soát tốt mức đường huyết; kiểm tra và điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ máu; thường xuyên vận động và tập thể dục ở mức vừa sức; có chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng (kiêng các thực phẩm có chứa nhiều mỡ như nội tạng động vật, thịt mỡ, bơ, lòng đỏ trứng, da gà, trứng cá… Ăn các loại rau tươi, hoa quả, các loại đậu và chế phẩm từ đậu nành, thịt nạc, cá, tôm… Hạn chế dùng trà đặc, càphê. Ít ăn mặn. Không uống rượu, bia… Tránh thừa cân. Sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh bị stress...)

Bệnh mạch vành có thể diễn biến tiềm tàng trong nhiều năm. Đa số trường hợp, các triệu chứng không được để ý cho đến khi động mạch vành bị hẹp nhiều đến một mức độ đáng kể. Cũng có trường hợp bệnh chỉ được biết đến khi đã xuất hiện biến chứng, bị nhồi máu cơ tim. Vì thế, dù không có triệu chứng thì mọi người cũng phải hết sức cảnh giác!

BS CK1 Ngô Bảo Khoa

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.