Phòng ngừa tăng huyết áp từ sớm

Tăng huyết áp (THA) đang trở thành một vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có khoảng trên 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp, khoảng 17,5 triệu người trên thế giới bị tử vong do THA và các biến chứng tim mạch.

Giữa tháng 5 vừa qua, Hội Tim mạch VN đã tổ chức “Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới” nhằm tuyên truyền và phổ biến kiến thức về căn bệnh này trong cộng đồng.

Để tìm hiểu và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, chúng tôi đã có buổi trao đổi với GS.TS Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch VN.

Xin GS.TS vui lòng cho biết tình hình bệnh tăng huyết áp hiện nay tại VN và đánh giá của riêng ông?

Ở Việt Nam, cách đây khoảng 50 năm chỉ có khoảng 1% người bị THA trong cộng đồng, nhưng đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước tỷ lệ THA khoảng 12%. Đến năm 2003, tỷ lệ này tăng lên tới 16,3% và theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Quốc gia tại 8 tỉnh và thành phố thì tỷ lệ THA của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 27,4%.

Đứng trước tình hình gia tăng nhanh chóng và những biến chứng nặng nề của bệnh Tăng huyết áp như vậy, ngày 19 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt chương trình phòng chống Tăng huyết áp trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010. Ban Điều hành quốc gia phòng chống Tăng huyết áp với nòng cốt là các cán bộ của Viện Tim mạch Việt Nam đã tích tham gia triển khai các hoạt động trong cộng đồng như truyền thông, giáo dục sức khoẻ, khám sàng lọc tăng huyết áp, xây dựng các mô hình phòng chống tăng huyết áp từ tuyến xã, phường tới tuyến trung ương. Với việc thiết lập hệ thống chăm sóc sức khoẻ kiểm soát tăng huyết áp như vậy cùng với sự nỗ lực của cả cộng đồng, hy vọng chúng ta có thể kiểm soát chủ động được THA và các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của THA là gì thưa GS.TS? Và có thể kiểm có thể kiểm soát được không?

Có một điều đáng lưu ý là có tới trên 90% trường hợp THA không rõ nguyên nhân (THA nguyên phát), chỉ có dưới 10% các trường hợp THA là có căn nguyên rõ ràng (THA thứ phát) bao gồm các nguyên nhân như: bệnh lý thận, tiết niệu, nội tiết, bệnh lý động mạch, ...

Các yếu tố nguy cơ của THA và các bệnh lý tim mạch không thể thay đổi được như: tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh gia đình, chủng tộc,... Chẳng hạn, tuổi càng cao tỷ lệ tăng huyết áp càng gia tăng.

Bên cạnh đó, còn có các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được mà chúng ta đang nỗ lực kiểm soát và loại trừ nó trong cuộc sống bao gồm: béo phì, thừa cân, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động, cuộc sống có quá nhiều căng thẳng (stress),...
Biến chứng của THA rất đa dạng, nhiều mức độ làm cho người bệnh trở nên tàn phế và thậm chí có thể tử vong với các biến chứng ở tim, não, mắt, thận và mạch máu, như: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não, đái ra protein, phù, suy thận, mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết, phình thành động mạch …

Tăng huyết áp là bệnh phải điều trị suốt đời, chi phí tốn kém, vậy GS.TS có lời khuyên gì để phòng ngừa?

Đúng vậy, THA là bệnh phải điều trị lâu dài và liên tục nhưng chi phí không quá tốn kém nếu đem so sánh với hậu quả nặng nề vì các biến chứng của nó gây ra. Đặc biệt, vấn đề điều trị phải kết hợp giữa một lối sống lành mạnh với thuốc điều trị phù hợp cũng như khả năng kinh tế của bệnh nhân. Chúng ta không nên nghĩ cứ thuốc đắt tiền mới có tác dụng điều trị tốt nhất. Việc cổ vũ lối sống lành mạnh và thay đổi những lối sống có hại cho mỗi cá nhân chính là “vũ khí” hữu ích hàng đầu trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù thầm lặng này”.

Vậy các biện pháp cụ thể là gì thưa bác sĩ?

Những biện pháp cụ thể sau đây luôn là những lời khuyên có ích cho mỗi chúng ta trong việc phòng chống bệnh THA. Đó là giảm cân nặng (nếu thừa cân), hông hút thuốc lá, thuốc lào, không ăn nhiều chất béo bão hòa, ăn mặn, tập thể dục đều đặn, hạn chế uống rượu bia. Tránh các căng thẳng, lo âu, tự tạo cho mình một cuộc sống hài hòa, vui vẻ và kiểm tra số đo huyết áp, các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời.

Theo DT

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.