Kỳ II: Nguyên nhân và cách điều trị tiền chứng đột quỵ não

Vì sao xảy ra tiền chứng đột quỵ não?

Mạch máu não.
Hẹp hay bít tắc lòng động mạch do cục huyết khối fibrin hoặc mảng cholesterol tích tụ được tạo thành do vữa xơ động mạch (VXĐM) hay mảnh canxi tách ra từ các van tim bị bệnh. VXĐM chính là do nguồn gốc rối loạn lipid máu. Nếu đường kính động mạch bị giảm sẽ dẫn tới sự thay đổi huyết động, giảm lưu lượng tuần hoàn não cục bộ tại các vùng do mạch máu đó nuôi dưỡng. Ở hệ động mạch cảnh, VXĐM khu trú ở đầu trung tâm của động mạch này sẽ gây hẹp đường kính động mạch từ 1-2mm gây thiếu máu ở võng mạc mắt và khu vực não của phần trước bán cầu đại não. Ở hệ động mạch sống - nền, các chồi xương và gai xương do thoái hóa cột sống lấn vào các lỗ ngang đốt sống gây chèn ép động mạch sống, cản trở dòng máu từ tim lên phần sau (thùy chẩm), bán cầu não và cả tiểu não, thân não.

Tăng huyết áp, nhất là bệnh não - tăng huyết áp gây co thắt mạch não, dẫn đến phá vỡ hàng rào máu não với suy giảm trương lực thành mạch gây thiếu máu cục bộ tại khu vực não do động mạch đó nuôi dưỡng. Riêng trường hợp huyết áp động mạch bị giảm thấp (huyết áp tâm thu giảm tới mức từ 80mmHg trở xuống) do các bệnh tim mạch, bệnh lý toàn thân hay do giảm huyết áp tư thế (từ nằm ngang đột ngột đứng dậy) cũng gây cơn thiếu máu não tạm thời toàn bộ não (cả hai hệ động mạch cảnh và hệ sống - nền). Rất ít trường hợp gây thiếu máu não cục bộ. Người ta cho rằng đó là do cơ chế co mạch não, nhất là người bệnh đã sẵn bị VXĐM, bệnh tăng hồng cầu, bệnh lý về máu, giảm đường huyết, đái tháo đường.

Các yếu tố thuận lợi khởi phát cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời (TMNCBTT): Thay đổi thời tiết đột ngột, nhất là thời điểm giao mùa và mùa đông dễ xảy ra hơn mùa hè. Trạng thái căng thẳng thần kinh trong đời sống nghề nghiệp hoặc môi trường xã hội và trong quan hệ sinh hoạt gia đình.

Chẩn đoán phân biệt

Trên lâm sàng cơn TMNCBTT có nhiều triệu chứng của các rối loạn về tuần hoàn, mạch máu não, về thần kinh trung ương và thực vật và liên quan nhiều đến các bệnh toàn thân (tim mạch, thoái hóa cột sống cổ...) nên phải chẩn đoán phân biệt với nhiều chứng bệnh. Điều đó đòi hỏi phải có chọn lọc, cân nhắc toàn diện, nhất là đối với những trường hợp có những triệu chứng báo hiệu sớm ban đầu của một số bệnh cấp tính đe dọa sinh mạng người bệnh. Cần phân biệt TMNCBTT với cơn đột quỵ mạch máu não (chảy máu não, nhồi máu não), chảy máu dưới màng nhện, hội chứng tăng áp nội sọ; cơn thiếu máu cơ tim; ngất; bệnh não - tăng huyết áp; cơn giảm huyết áp do hạ đường huyết, do tư thế đứng đột ngột; hội chứng Menière; một số thể của bệnh đau nửa đầu, cơn động kinh nhỏ, vắng ý thức và cơn động kinh cục bộ; bệnh VXĐM (ngoài sọ, trong sọ, động mạch chủ); suy nhược thần kinh, suy não tuổi già. Ngoài ra còn nhiều loại bệnh toàn thân khác cần nghĩ tới sau đợt điều trị nghẽn cách cơn thiếu máu não mà diễn biến bệnh không mấy thuyên giảm như các bệnh rối loạn thành phần máu (hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu), dị dạng động mạch não, máu tụ dưới màng cứng, u não...

Điều trị cơn TMNCBTT

Sau khi đã có chẩn đoán xác định là thiếu máu não do khu trú ở hệ động mạch cảnh hay hệ động mạch sống - nền cần phải điều trị theo nguyên nhân gây bệnh; điều trị hội chứng cấp tính càng sớm càng tốt để bổ sung kịp thời cung lượng máu cho vùng bán cầu, quanh ổ thiếu máu; xử trí nhanh các yếu tố nguy cơ chủ yếu có thể đe dọa diễn biến bệnh thành đột quỵ nhồi máu não. Đây là thời cơ tranh chấp thời gian tính từng giây, từng phút để khôi phục tuần hoàn vi mạch tại mô não vùng thiếu máu; điều trị dự phòng ngăn chặn tái phát bằng các biện pháp chống ngưng kết tiểu cầu và chống đông máu tạo cục huyết khối, tắc nghẽn lòng động mạch. Sau cơn thiếu máu não, điều quan trọng nhất là điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu dựa trên kết quả xét nghiệm cholesterol, triglycerid, LDL - C và HDL - C. Niacin có tác dụng lớn làm tăng mức LDL (giảm tổng hợp LDL) và đặc hiệu dùng cho tăng glycerid với liều 5-12mg/ngày. Lovastin có tác dụng ngăn chặn tổng hợp cholesterol, làm giảm lượng LDL và tăng HDL, thường dùng với liều 20-40mg/ngày. Lipanthyl, fenbrat được dùng trong trường hợp tăng triglycerid, thường dùng từ liều thấp 100mg/ngày, 200mg/ngày và tối đa là 300mg/ngày. Thuốc điều trị phục hồi chức năng nhằm điều trị rối loạn thị giác và thính giác, căn nguyên bệnh lý mạch máu và rối loạn chức năng vỏ não (trí nhớ, trí tuệ...).

Các biện pháp dự phòng

Fibrin gây bít tắc động mạch.

Phát hiện sớm và theo dõi điều trị các bệnh tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Chú trọng phát hiện tiếng thổi tâm thu của động mạch cảnh ở cổ, một triệu chứng đặc hiệu của hẹp động mạch cảnh là nguy cơ đe dọa nhồi máu cơ tim và đột quỵ não.

Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý: Giảm các yếu tố gây béo phì, chế độ ăn uống hợp lý, tránh tăng mỡ máu; bệnh thiếu vận động sẽ gây nhiều hậu quả có hại, nhất là ở người cao tuổi. Cần duy trì các hoạt động thể lực thích hợp với lứa tuổi và bệnh tật vốn có. Tránh các chấn động thần kinh, lo âu, buồn rầu và đời sống cô đơn. Có chế độ vui chơi, giải trí thích hợp và điều độ. Duy trì chu trình sinh học thức - ngủ là yếu tố rất quan trọng, tránh các tác nhân gây mất ngủ.

Các yếu tố gây giảm huyết áp quá mức cần được xử trí tích cực, kịp thời: Bệnh giảm huyết áp hệ thống, bệnh thiếu máu, bệnh đa hồng cầu; giảm huyết áp tư thế đứng do dùng thuốc hay do hạ đường huyết. Không hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hít thở không khí có khói thuốc. Sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, tránh các kích thích quá mức của âm thanh và ánh sáng. Sự thay đổi khí hậu và thời tiết có tác động rất nhạy cảm, khởi phát cơn thiếu máu não nhất là khoảng thời điểm giao mùa, thay đổi đột ngột từ môi trường không khí giữa lạnh và nóng với khoảng cách quá cao cũng là yếu tố thuận lợi gây tái phát cơn thiếu máu não.

PGS. Vũ Quang Bích


Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.