Béo bụng ở phụ nữ có tuổi



Không biết do di truyền, do thay đổi về hormon hay do tuổi tác nhưng có một sự thực là nhiều phụ nữ thấy vòng bụng cứ tăng lên khi bước vào tuổi khoảng 45, nhất là khi đã mãn kinh. Béo bụng thực sự không tốt so với béo ở các vị trí khác trên cơ thể vì tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường và một số thể ung thư.

Điều mừng là một vài sự thay đổi về lối sống và một số bài tập về bụng có thể giúp giảm béo bụng.

Vì sao mỡ tập trung nhiều ở bụng khi có tuổi? Tuổi tác đi cùng với sự giảm chuyển hoá nên lượng mỡ trong cơ thể cứ leo thang dần, nhất là với phụ nữ. Sau mãn kinh, sự phân bố mỡ trên cơ thể nữ thay đổi vị trí, tập trung nhiều ở cánh tay, cẳng chân, hông và nhất là bụng. Đừng nghĩ rằng béo bụng chỉ giới hạn ở thành bụng trước và bạn có thể túm được cả một khối bằng 2 bàn tay, điều đó đúng nhưng khối mỡ bạn không nhìn thấy mới đáng lo ngại. Mỡ bám quanh phủ tạng nằm sâu trong ổ bụng mới là loại mỡ có liên quan đến bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Lớp mỡ dưới da dễ nhận thấy nhưng ít có tiềm năng là nguy cơ cho sức khoẻ.

Những vấn đề sức khoẻ do béo bụng: Tập trung nhiều mỡ vùng bụng không chỉ làm giảm vẻ đẹp ngoại hình, gây khó khăn trong sinh hoạt mà còn tác động xấu đến sức khoẻ, tăng nguy cơ bị bệnh tim, ung thư vú, tiểu đường, hội chứng chuyển hoá, bệnh lý túi mật, cao huyết áp, ung thư đại-trực tràng. Các nghiên cứu cho thấy rằng các tế bào mỡ ở bụng không chỉ là những tế bào ngủ yên hay khối năng lượng dự trữ để sử dụng khi cần mà là những tế bào hoạt động, có thể tạo ra nhiều hormon và các chất khác có ảnh hưởng đến sức khoẻ, ví dụ một số tế bào mỡ tiết ra các hormon kháng insulin - tiền chất để dẫn đến bệnh tiểu đường típ 2; nhiều tế bào mỡ khác có thể tiết ra estrogen sau khi đã mãn kinh làm tăng nguy cơ bị ung thư vú; khoa học còn chưa biết rõ hormon quá nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ chung như thế nào nhưng đã biết chắc chắn rằng quá nhiều mỡ ở phủ tạng có thể làm rối loạn cân bằng hormon của cơ thể.

Làm thế nào biết lượng mỡ ở bụng đã đến mức bất lợi cho sức khoẻ? Có thể đo chỉ số khối lượng cơ thể (BMI, body mass index) hay tỉ lệ eo - hông nhưng chỉ cần đo vòng eo một cách đúng phương pháp là có thể biết lượng mỡ vùng bụng có trong giới hạn lành mạnh. BMI không phải thước đo chính xác tỉ lệ mỡ cơ thể hay sự phân bố mỡ, nhất là ở phụ nữ mãn kinh (cách đo BMI: trọng lượng cơ thể tính bằng kilôgram chia cho bình phuơng chiều cao tính bằng mét. Nếu kết quả từ 20-25 là tốt, nếu từ 26-30 là ở khu vực quá cân, nếu từ 31 trở lên là cần phải thận trọng, có nguy cơ bị bệnh béo phì).

Đo vòng eo đúng cách (thước dây đi qua rốn, không thót bụng, không kéo dây quá chặt), nếu phụ nữ có cân nặng bình thường mà vòng eo từ 89 cm trở lên chứng tỏ có sự tập trung mỡ quá nhiều ở bụng. Một số nghiên cứu khác còn cho rằng dù cân nặng như thế nào nếu vòng eo từ 84cm trở lên là tăng nguy cơ cho sức khoẻ.

Có thể làm giảm mỡ bụng? Mỡ bám quanh các nội tạng ở sâu trong ổ bụng nên khó giảm trong thời gian ngắn nhưng thật ra mỡ ở phủ tạng đáp ứng tốt với việc luyện tập thường xuyên, đều đặn và chế độ ăn lành mạnh. Những động tác tập cho bụng có thể làm cho thành bụng thêm săn chắc và làm cho bụng nhỏ lại. Chế độ ăn để không tăng lượng mỡ bụng, thay mỡ bão hoà bằng mỡ không bão hoà đa, tăng lượng carbohydrate phức hợp như rau quả, giảm lượng carbohydrate đơn như bánh mì trắng, gao trắng (xay kỹ); nếu cần giảm cân thì cũng cần giảm lượng calo đưa vào cơ thể.

BS Đào Xuân Dũng - Lao dong

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.