Trái tim mùa đông...

Những tháng cuối năm và đầu năm là thời điểm bệnh cảm cúm gia tăng. Bạn có bao giờ nghĩ cảm cúm bình thường là triệu chứng của bệnh tim khá nguy hiểm - viêm cơ tim cấp?



Ông L.N.Đ. sinh năm 1964, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM, nhập viện vì viêm cơ tim cấp kèm viêm màng ngoài tim cấp biến chứng choáng tim. Ông cho biết vào một đêm cuối năm, ông làm nhiệm vụ canh gác nhưng do không mặc ấm bị cảm lạnh, chiều hôm sau thấy sốt cao, đau họng, sổ mũi. Ông đi khám bệnh gấp vì mệt mỏi kèm khó thở, da niêm tím tái. Tại bệnh viện các bác sĩ đo huyết áp thấy huyết áp tụt nặng 60/40 mmHg, điện tâm đồ có ST chênh cao, men tim tăng rất cao, siêu âm tim có tràn dịch màng ngoài tim. Kết luận ông bị viêm cơ tim cấp.

Tương tự, những ngày gần đây có nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị viêm cơ tim cấp rất nặng kèm loạn nhịp tim phải đặt máy tạo nhịp tạm thời, trước đó bị sổ mũi, sốt và ho.

Mệt mỏi, sốt, sổ mũi và đau nhức cơ là các triệu chứng kinh điển của bệnh cúm. Ở một số bệnh nhân, chúng lại là các triệu chứng của một dạng bệnh tim hiếm gặp nhưng thường dẫn đến tử vong. Đó là viêm cơ tim cấp và thường ít được chẩn đoán ra. Viêm cơ tim là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim gây nên do nhiễm trùng, do bệnh mô liên kết, nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân. Các quá trình bệnh lý này ảnh hưởng đến cơ tim kèm hoặc không kèm theo triệu chứng toàn thân. Những biểu hiện thường gặp nhất là suy tim, tuy nhiên đôi khi rối loạn nhịp hoặc đột tử là biểu hiện đầu tiên của bệnh.

Nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm cơ tim, như: Coxsackie virus type B1-5, Coxsackie virus type A4, Coxsackie virus type A16, Echo virus, Adeno virus, Herpes simplex virus, Influenza virus... Tiếp theo là nguyên nhân do vi khuẩn như liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A trong bệnh thấp tim cấp. Ngoài ra còn có nguyên nhân hiếm gặp như do nấm, ký sinh trùng, tia xạ, thuốc kháng sinh, thuốc kháng lao, thuốc chống động kinh...

Bệnh gặp ở trẻ em và người lớn, thường khởi phát đột ngột, làm tim hầu như không có khả năng co bóp và lưu thông máu. Việc điều trị bao gồm thuốc kích thích cơ tim nhờ đó làm tăng lưu lượng máu, hoặc cấy một bơm cơ học để trợ giúp tạm thời tuần hoàn tim. Bơm này thường được lấy ra an toàn sau 7-10 ngày. Nếu có tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim thì có thể phải chọc tháo dịch.

Tiên lượng của viêm cơ tim cấp do virus ở trẻ sơ sinh còn rất đen tối: tỉ lệ tử vong lên đến 75%. Tiên lượng ở trẻ lớn cũng không khả quan lắm. Ở người lớn có từ 5-10% bệnh nhân tự lui bệnh. Tuy nhiên có đến 50% bệnh nhân chết trong vòng hai năm và 80% bệnh nhân chết trong vòng tám năm nếu không được thay tim, 19% bệnh nhân bị đột tử khi đang bị viêm cơ tim.

Có bảy bước tăng cường hệ miễn dịch cơ thể giúp bạn tránh được bệnh cảm lạnh, cảm cúm và phòng ngừa viêm cơ tim cấp:

- Rửa sạch tay. Virus cảm lạnh, cảm cúm có thể lây truyền qua bắt tay, tiếp xúc với các vật dụng như nắm đấm cửa.

- Không dụi tay lên mắt, mũi hay miệng.

- Tránh tiếp xúc với những người đang ho hay hắt hơi.

- Dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi để cải thiện hệ miễn dịch.

- Có chế độ ăn lành mạnh và luyện tập đều đặn.

- Uống nhiều nước.

- Uống bổ sung một viên vitamin C (500mg) hai lần/ngày.

Các nhà khoa học tin rằng điều này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch mặc dù chưa có bất kỳ dữ liệu nào chứng minh.

Tuổi trẻ cuối tuần - BS T.M.H

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.