Tắc mạch khí do đâu?

Gần đây, người nhà tôi phải vào bệnh viện để phẫu thuật lồng ngực do bị suy tim. Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ nói với gia đình là trong quá trình phẫu thuật có tắc mạch khí nhưng đã xử trí kịp thời. Tôi băn khoăn không biết tắc mạch khí là gì, có nguy hiểm không?

Nguyễn Văn An(Hà Nam)

Tắc mạch khí tại tim.
Tắc mạch khí là do không khí lọt vào hệ thống tuần hoàn: động mạch hoặc tĩnh mạch. Tắc mạch khí có thể xảy ra trong các tình huống như: làm thủ thuật bơm khí vào màng phổi, bơm khí vào màng bụng, chọc xoang, nạo phá thai bằng thìa, rau tiền đạo, phẫu thuật lồng ngực. Thường phải có đến 100ml không khí vào mạch máu mới đủ để gây các dấu hiệu lâm sàng. Tắc mạch khí ở tĩnh mạch gây ra các dấu hiệu của bệnh tim, phổi cấp tính. Đặc điểm là tình trạng sốc và suy tim phải. Bệnh nhân thường khó thở và tức ngực dữ dội, đột ngột, đôi khi có cơn đau ở sau xương ức giống như cơn đau thắt ngực của nhồi máu cơ tim. Trạng thái sốc thể hiện ở chỗ: bệnh nhân bồn chồn, lo lắng, mặt và toàn thân tái nhợt, tứ chi lạnh toát, vã mồ hôi, mạch nhỏ, nhanh, khó bắt, huyết áp tụt rất thấp, gan to, nghe tim sẽ thấy tiếng thứ 2 đập mạnh, phổi không thấy gì đặc biệt, có khi thấy rì rào, phế nang giảm. Tắc mạch khí ở động mạch gây ra các rối loạn não, tim, phổi... Tắc động mạch não: người bệnh có thể co giật, liệt nửa người, hôn mê. Lượng khí nhiều, liệt có thể không hồi phục. Tắc động mạch vành tim gây cơ tim thiếu máu nuôi dưỡng, hoại tử và nhồi máu cơ tim. Tắc động mạch phổi, phổi lớn sẽ có biểu hiện sốc nặng như tình trạng tim - phổi cấp tính. Đối với tắc mạch khí ở tĩnh mạch: không khí sẽ dồn về tim phải, làm nghẽn tuần hoàn ở thất phải, người bệnh có thể chết vì tắc các mao mạch phổi, vì vậy phải đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang bên trái. Trong tắc mạch khí ở động mạch: không khí sẽ xâm nhập vào các tĩnh mạch phổi và các động mạch ở phần trên thân thể. Phải tức khắc đặt bệnh nhân nằm đầu thấp để không khí không đưa lên não được. Vì vậy, trong khi làm các thủ thuật trong phẫu thuật lồng ngực, chọc xoang hoặc tiêm truyền dịch, các bác sĩ phải rất cẩn trọng.
BS. Nguyễn Kim Lan-suckhoedoisong

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.