Đái tháo đường, “bạn song hành” của rối loạn lipid máu

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính, đặc trưng bởi sự tăng đường huyết. Bình thường, tuyến tụy sản xuất ra insulin giúp cơ thể sử dụng đường từ thức ăn để tạo năng lượng.

Ở người bệnh đái tháo đường, tuyến tụy ngừng sản xuất insulin (típ 1) hoặc insulin hoạt động không hiệu quả (típ 2). Vài thể bệnh có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái, nhưng đái tháo đường là một bệnh không lây.

Đái tháo đường có nguy hiểm không? Khi đường huyết tăng, nhiều người bệnh có thể không có triệu chứng gì cả, khiến họ chủ quan, không điều trị. Tuy nhiên, đường huyết tăng cao có thể gây hôn mê. Mặt khác, tình trạng tăng đường huyết lâu ngày sẽ làm nghẹt các mạch máu. Từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận và mù mắt. Người bệnh đái tháo đường cũng dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu và nhiễm trùng bàn chân. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường hay đi kèm với các bệnh khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, mập phì, khiến người bệnh giảm tuổi thọ so với dân số chung và tăng nguy cơ tàn phế. Do vậy, đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường típ 2, được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”.

Những ai dễ mắc bệnh đái tháo đường? Đó là những người thừa cân, mập bụng, ít vận động. Ngoài ra, phụ nữ sanh con nặng trên 4 kg, người trên 45 tuổi, người bị rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, hay có người thân trong gia đình bị bệnh đái tháo đường cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người này cần phải đi xét nghiệm đường huyết lúc đói mỗi năm. Vì phát hiện bệnh sớm sẽ ít biến chứng và dễ điều trị hơn.

Bệnh có thể phòng ngừa được hay không ? Hoa Kỳ đã làm nghiên cứu Phòng Bệnh Đái Tháo Đường (DPP) và chứng minh rằng bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách giảm cân, ăn uống hợp lý và tránh lối sống tĩnh tại. Giảm được vòng bụng cũng có nghĩa là giảm nguy cơ bị bệnh đái tháo đường. Tránh lối sống tĩnh tại bằng những việc đơn giản hàng ngày như làm việc nhà, làm vườn, tập co duỗi tay chân trong lúc xem tivi, và đứng dậy tắt tivi thay vì dùng bộ điều khiển, đậu xe cách xa chỗ làm và đi bộ đến, hoặc sau khi ngồi lâu trước màn hình vi tính thì cần đứng dậy đi lại vài phút.

Điều trị bệnh đái tháo đường như thế nào? Có 3 nguyên tắc căn bản : ăn kiêng, tập vận động và dùng thuốc. Cả ba đều quan trọng như nhau và nếu thiếu một thì sẽ không điều trị được bệnh. Bệnh nhân đái tháo đường không cần nấu ăn riêng, cũng không cần các loại thực phẩm đặc biệt. Họ vẫn có thể sử dụng các loại thực phẩm thông thường, nhưng quan trọng là ăn vừa phải, và tránh các loại thức ăn có nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt. Ngoài ra, người bệnh phải tránh lối sống tĩnh tại như đã đề cập ở phần trên, và thường xuyên tập vận động mỗi ngày, ví dụ như đi bộ 10 – 15 phút sau mỗi bữa ăn, đạp xe, bơi lội, hoặc cũng có thể tập đi bộ buổi sáng từ 30 – 45 phút mỗi ngày trong tuần, khi đi nhớ mang giày thể thao mềm và vừa chân. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc uống hoặc chích insulin.

Người bệnh cần dùng thuốc đều đặn và đúng giờ mỗi ngày, không nên bỏ điều trị hay tự ý thay đổi liều thuốc. Ngày nay, người ta nhận thấy rằng kiểm soát đường huyết tốt ngay từ lúc đầu sẽ ít bị biến chứng về sau hơn, nên bệnh nhân có thể cần chích insulin trong khoảng thời gian nhất định. Do đó, không nên lầm lẫn rằng khi đã tiêm insulin nghĩa là đã vào thời kỳ cuối của bệnh. Mặt khác, quan điểm điều trị hiện đại lấy bệnh nhân làm trung tâm. Chính người bệnh sẽ chủ động chọn lựa chế độ ăn uống và tập vận động sao cho dễ thực hiện với mình. Bác sĩ và điều dưỡng đóng vai trò hỗ trợ về mặt kiến thức và thuốc men. Vì vậy, người bệnh cần có ý thức cao về sức khỏe của mình, không nên chỉ trông cậy vào thuốc men và bác sĩ. Cuối cùng, để điều trị bệnh đạt kết quả tốt, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn đi khám thêm về mắt, bàn chân và hỏi ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng.

Theo dõi đường huyết bằng cách nào? Có hai cách là đo đường huyết và HbA1c. Đường huyết không phải là một trị số cố định, do đó, bạn không nên ngạc nhiên khi thấy trị số hôm nay khác với hôm qua. Quan trọng là giá trị đó phải nằm trong khoảng giới hạn cho phép, ví dụ, đường huyết lúc đói thử ở đầu ngón tay từ 70 đến 120 mg/dL. Còn trị số HbA1c là giá trị trung bình của đường huyết trong vòng 3 tháng trước đó. HbA1c dưới 7% chứng tỏ bạn đã kiểm soát tốt đường huyết trong suốt thời gian ấy và ngược lại. Ngoài ra, máy đo đường huyết cá nhân cũng cho biết giá trị đường huyết vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Bạn có thể hỏi bác sĩ để biết mình nên thử vào những giờ nào và ghi lại kết quả vào sổ theo dõi đường huyết. Mỗi lần tái khám, bạn nên mang theo sổ này và thực đơn bạn đã ăn 1 – 2 ngày trước đó để bác sĩ tư vấn.

ThS BS Diệp Thị Thanh Bình

Đại Học Y Dược TPHCM


Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.